Hội người Việt Nam ở Trung Quốc, ngôi nhà chung của người Việt ở Trung Quốc!
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Chiều 13/1, bên lề Chương trình Xuân Quê hương 2023, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao, đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng NVNONN với mong muốn tiếp tục được nghe các ý kiến và đề xuất của bà con liên quan đến các vấn đề về chính sách và pháp luật.


 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Tham dự buổi Tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến,  Thứ trưởng Ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu, đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự tham gia của 127 đại biểu đại diện cho cộng đồng NVNONN trở về từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào mừng và chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và đại biểu dự Tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài; trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học... tạo thuận lợi cho NVNONN.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra là “phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, hơn bao giờ hết việc phát huy nguồn lực NVNONN đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, các đại biểu tham gia Tọa đàm có nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, mang lại nhiều kết quả thiết thực, đồng thời đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan có liên quan cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, trao đổi thấu đáo, thỏa đáng các vấn đề đại biểu nêu, sau Tọa đàm có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả cuộc Tọa đàm.

 

 Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu khẳng định, công tác về NVNONN thời gian qua luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm sâu sắc. Triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã triển khai rà soát chính sách pháp luật như lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong nước, các hội đoàn và cộng đồng NVNONN, các cơ quan đại diện VNONN về chính sách pháp luật; tổ chức tọa đàm với đồng bào Việt Nam tại các nước...

Năm 2022, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức thành công hai cuộc Tọa đàm: Tọa đàm về chính sách pháp luật, trọng tâm là quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại Czech và Tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại 7 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Czech). Cơ quan chức năng đã ghi nhận, xem xét và tiếp thu nhiều ý kiến của bà con.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà cho đại diện bà con người Việt Nam ở nước ngoài  


Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở có liên quan đến việc người nước ngoài, NVNONN mua nhà, sử dụng đất ở Việt Nam.

Các đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài đã thảo luận về các chính sách đất đai, nhà ở, quốc tịch, bầu cử, ứng cử đại biểu quốc hội, căn cước công dân, giấy khai sinh cho các thế hệ có bố hoặc mẹ người Việt Nam,..… 

Bà Lê Nguyễn Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Hàn Quốc, đề xuất cần có quy định riêng và cụ thể hơn về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó chú trọng yếu tố huyết thống, điều kiện định cư ở nước ngoài để giảm bớt các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam. Bà Minh Phương kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 7 Nghị định 16/2020/NĐ-CP để phù hợp với khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch về việc miễn điều kiện đăng ký thường trú cho người là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.

Trong khi đó, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, cũng đưa ra đề xuất về quốc tịch, giấy khai sinh cho trẻ em con lai ở nước ngoài. “Hiện nay, thế hệ thứ hai, thứ ba trong các gia đình có bố hoặc mẹ là NVNONN phần lớn không có quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó, thế hệ trẻ này là nguồn nhân tài của đất nước, cần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ này được lựa chọn và nhập quốc tịch mà không ràng buộc điều kiện gì”, bà Thiện chia sẻ.

 Quang cảnh Tọa đàm

Ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, cho rằng hiện nay có rất nhiều người Việt Nam đầu tư ở Nga, nên cần có hình thức ghi nhận đây là hình thức đầu tư của Việt Nam ra ngoài. Không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mà còn để doanh nghiệp nâng thêm uy tín với nước sở tại.

Đây là những lĩnh vực được nhiều NVNONN quan tâm, đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi trình Chính phủ và Quốc hội, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết các vướng mắc và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh cùng các đại biểu, đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu trước Nhà Quốc hội 

Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, cho biết những ý kiến của cộng đồng NVNONN   hôm nay là những vấn đề sát sườn, là trọng tâm triển khai trong thời gian tới của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Ông cũng cho biết, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội và Ủy ban nhà nước về NVNONN luôn là địa chỉ tin cậy, trao đổi tâm tư nguyện vọng đóng góp cho đất nước của đồng bào ta ở nước ngoài.

Sau Tọa đàm, Đoàn đại biểu NVNONN đã tham quan Nhà Quốc hội và Khu Triển lãm giới thiệu về Lịch sử Quốc hội Việt Nam.